Mình đã nói về K2 (75%), K4 (96%) và lần này là phiên bản nhỏ nhất của Keychron với layout 65%. Thực tế những con phím của Keychron không có nhiều thay đổi về thiết kế, chỉ đơn thuần là thu nhỏ hoặc làm to ra thôi nhưng K6 lại là con khiến mình thích nhất nhờ khả năng đổi được switch (hot swappable).
Keychron dù rất mới mẻ trong thị trường phím cơ nhưng cách mà họ tiếp cận người dùng quả thực rất đáng nể. Họ bắt đầu với phím cơ không dây hỗ trợ mặc định cho macOS mà không cần remap lại phím. Bàn phím Bluetooth hỗ trợ 3 thiết bị, chuyển đổi nhanh và có nhiều tùy chọn switch cũng như chất liệu khay phím có thể là nhựa hay nhôm. Lần này với K6, Keychron tiếp tục thể hiện rằng họ đã lắng nghe người dùng như thế nào.
Hẳn anh em mới xài phím cơ sẽ thấy K6 lạ lẫm bởi cỡ 65% không phổ biến như kiểu Full-size 104 - 108 phím hay TKL 87 - 88 phím. Nếu ra tìm phím cỡ nhỏ anh em sẽ dễ bắt gặp loại 60% hơn là 65%. Việc Keychron chọn cỡ 65% cho K6 có ý đồ rất rõ đó là hãng muốn giữ lại hệ thống phím điều hướng và các phím thường dùng trong soạn thảo văn bản như Home/End, Page Up/Down. Cá nhân mình thích dùng TKL cũng như các layout 65% 75% thành ra chiếc K6 đáp ứng nhu cầu của mình rất tốt bởi soạn thảo nhiều. Thêm vào đó, nếu anh em muốn dùng chiếc bàn phím này để chơi game thì nó cũng đáp ứng tốt do vẫn còn hệ thống phím điều hướng.
Tuy nhiên, Keychron dù giữ lại layout 65% nhưng hãng lại thiết kế theo kiểu có phím Home nhưng không có phím End! Thay vào đó hàng phím ngoài cùng lại ưu tiên cho nút để chỉnh đèn RGB và điều này mình thấy không cần thiết. Hãng nên làm tiêu chuẩn với hàng ngoài cùng 4 phím như các hãng khác và chuyển phím đèn sang dạng tổ hợp Fn + gì đó thì sẽ hay hơn là hy sinh như vậy.
Layout 65% nhưng khoảng cách các phím vẫn thoáng, vẫn thoải mái khi gõ và mình không mất thời gian để làm quen với layout này. Thêm vào đó dù đã loại bỏ hàng phím F trên cùng nhưng Keychron vẫn thiết kế chúng dạng tổ hợp vào hàng phím số. Để tối ưu hơn cho macOS thì hàng phím số này cũng bao gồm các nút chức năng của macOS như tăng giảm độ sáng màn hình, điều chỉnh âm thanh, phím đa phương tiện, mở Expose …
Vậy nên Keychron K6 có tới 2 nút Fn. Để nhấn F1 đến F12 thì chúng ta dùng tổ hợp Fn2 + phím đến phím +. Tương tự nếu anh em xài macOS thì có thể dùng Fn1 + phím số để chỉnh các chức năng riêng trên macOS hoặc Fn2 + phím số để bấm Function. Trang bị này mình nghĩ rất cần thiết với người dùng macOS và thực tế không nhiều con bàn phím cỡ 60 hay 65% có được bộ tính năng kép như vậy trên cùng một phím.
Cái lợi của layout 65% hiển nhiên là gọn nhẹ. Chiếc Keychron K6 phiên bản vỏ nhựa, switch Gateron Blue và đèn RGB như mình đang xài có trọng lượng chỉ 600 g. Phiên bản nhôm thì chắc chắn sẽ nặng hơn nhiều rồi nhưng bản nhựa này cùng với layout 65% thì nó sẽ rất lý tưởng để anh em đem theo trong balo hoặc khi anh em xài trên bàn thì nó cũng không chiếm nhiều không gian, K2 vẫn còn to lắm.
Về keycap thì Keychron K6 vẫn có thiết kế và chất liệu keycap tương tự các phiên bản K2 hay K4. Keycap ABS khá mỏng và giòn, bề mặt được phủ như một lớp su mỏng cho cảm giác tiếp xúc thân thiện, ký tự được khắc laser mảnh và sắc nét. Để gõ ngon hơn thì anh em nên đầu tư một bộ keycap PBT, vừa không bị bóng vừa cho tiếng khác vừa chắc chắn hơn.
Hãng cũng tặng kèm các keycap để anh em đổi sang layout cho Windows.
Keychron K6 có rất nhiều tùy chọn switch gồm Gateron Red (45g), Blue (60g), Brown (55g) và switch quang học gồm Optical Red (40g), Optical Blue (50g) và Optical Brown (50g). Những tùy chọn switch này đều có tổng hành trình 4 mm, điểm kích hoạt ở 2 mm hoặc 1,8 mm trên switch Optical.
Phiên bản Keychron K6 mình đang xài dùng switch Gateron Blue và nó vẫn có đặc tính là mượt, tiếng click đanh, rõ ràng nhưng điều mình không thích là keystem của nó không ổn định như các dòng switch của Cherry. Cảm giác nhấn nó hơi bồng bềnh và lắc, anh em có thể đặt ngón tay lên keycap và day nhẹ qua lại sẽ thấy Gateron lắc ra sao. Tuy nhiên, nếu đã mua Keychron K6 thì mình nghĩ anh em nên chọn phiên bản hot swap:
Hot swap tức là chúng ta có thể bứng switch lên và gắn switch khác vào nó. Điều này không lạ đối với những ai đang chơi bàn phím custom nhưng thật thú vị khi Keychron lại quyết định bổ sung tính năng này vào một chiếc bàn phím bán đại trà như K6.
Nói sơ qua cho anh em dễ hình dung là với switch Cherry hay các loại clone của Cherry như Gateron, Outemu, Kailh và nhiều loại khác thì chúng đa phần đều có 2 chân tiếp xúc bên dưới mỗi switch (hình trên bên phải màu trắng là Gateron Blue, bên trái là Cherry MX). Một số loại có thêm chân cho bóng LED và do "lấy Cherry MX làm chuẩn" thành ra vị trí của các chân tiếp xúc này đều như nhau. Với bàn phím cơ thông thường, các chân tiếp xúc được hàn vào mạch phím và ngược lại với bàn phím cơ cho phép hot swap thì mạch có các lỗ để "xỏ" chân switch vào, quanh các lỗ này có lớp đệm bằng cao su hay nhựa để gia cố, giữ cho chân tiếp xúc luôn kết nối vào mạch từ đó ổn định kết nối tín hiệu.
Điều mình thích trên K6 đó là đèn nền là loại đèn LED "dán" hay SMD (Surfaced Mounted Diode), nó nằm trên mạch luôn nên khi anh em mua switch khác về thay sẽ không cần gắn bóng LED rời, chỉ cần chọn các loại có vỏ (housing) trong suốt hoặc bán trong như dòng Cherry MX RGB là được. Ngoài ra là phần vỉ phía trên được làm bằng kim loại khá dày và cứng, đảm bảo switch được cố định, không bị xê dịch nhiều khi gõ.
Mình có sẵn một số switch ở đây, chúng đều là switch Cherry MX nguyên bản mà mình sưu tập được. Chúng ta chỉ việc tháo switch ra bằng kẹp gắp switch tặng kèm (cái kẹp này khá lởm, anh em nên mua 1 cái kẹp nhôm có 2 đầu gắp to hơn để gắp cho dễ, mình dùng cái kẹp này làm xước cả vỉ phím bên dưới.
Mình thường gắn các switch theo chức năng phím, chẳng hạn như Esc mình gắn con Cherry MX Grey nặng 80g để tránh vô tình bấm nhầm, phím Space thì mình hay gắn Green hoặc Black, phím điều hướng mình gắn Cherry MX Red để bấm cho nhanh nhẹ. Với anh em muốn chơi game thì có thể gắn các switch thiên về tốc độ như Red, Silver với điểm kích hoạt ngắn và lực bấm nhẹ để có thể phản hồi nhanh hơn vào các phím như WASD, Ctrl … Nói chung khả năng hot swap cho phép chúng ta tùy biến switch từ đó thay đổi cảm giác gõ trên từng phím mà không cần phải thay cả bàn phím.
Keychron K6 vẫn hỗ trợ kết nối Bluetooth với 3 thiết bị, chuyển đổi nhanh trong khoảng 1,5 giây (mình test giữa MacBook và điện thoại Android). Ngoài ra nó cũng có 2 nút gạt để chuyển chế độ Windows/Android - mac/iOS và nút còn lại để bật Bluetooth/tắt/xài có dây với cổng USB-C.
Sợi cáp USB-C bện thừng, đầu L, có cục ferrite chống nhiễu, hoàn thiện xịn hơn nhiều so với sợi cáp đi kèm các dòng Keychron trước đây.
Hệ thống chân chống có nâng cấp với chân chống 2 nấc cho 2 góc nghiêng khác nhau. Đây là một điểm cộng lớn trên K6 bởi nó sẽ đáp ứng được nhiều thói quen gõ phím khác nhau.
K6 được tích hợp pin đến 4000 mAh, dung lượng này rất lớn đối với một chiếc bàn phím và hãng nói có thể xài được đến 9 ngày với cường độ sử dụng 8 giờ ngày, có đèn. Thời gian sạc đầy khoảng 3 giờ. Nếu anh em tắt hết đèn đóm thì mình nghĩ thời lượng sử dụng sẽ còn lâu hơn nữa.
Nguồn bài viết: tinhte.vn