-
- Tổng tiền thanh toán:
Đánh giá chi tiết bàn phím cơ Keychron K4 - sản phẩm thú vị trong tầm giá
Mac8 Support
24/10/2020
Thiết kế thừa hưởng nhiều từ thế hệ tiền nhiệm
Về thiết kế, Keychron K4 (viết gọn là K4) kế thừa khá nhiều từ thế hệ tiền nhiệm, với điểm nhấn chủ đạo vẫn là việc bố trí các phím rất sát nhau. Nhờ vậy nên dù có kích thước chỉ nhỉnh hơn phím TKL tiêu chuẩn một chút, K4 vẫn sẽ cho người dùng trải nghiệm một layout full-size tương đối hoàn chỉnh.
Với việc được bổ sung thêm phím số, K4 hứa hẹn sẽ thu hút nhiều hơn đối tượng người dùng văn phòng, lập trình viên hay kế toán.
"... Một sự tổng hòa độc nhất giữa thiết kế và trải nghiệm sử dụng."
Keychron nói về thiết kế bao gồm phím số của K4.
Ưu điểm của kiểu thiết kế này là cho kích thước gọn hơn nhiều so với bàn phím full-size truyền thống, còn về nhược điểm thì sẽ nằm ở việc dễ gõ nhầm phím do layout thay đổi hơi nhiều, cần thời gian để làm quen. Theo cảm nhận của người viết, tổng thể K4 nhìn khá chật chội, chưa tinh tế được bằng Keychron K2 (viết gọn là K2).
Vị trí và font ký tự của các phím có hơi hướng giống bàn phím MacBook, một điều dễ hiểu vì macOS sẽ là một trong năm nền tảng mà K4 sẽ tương thích bên cạnh Windows, Linux, Android và iOS. Keycap của Keychron K4 sẽ được làm bằng chất liệu nhựa ABS. Với tầm giá 1,5 triệu Đồng đổ lên, Keychron đáng ra nên có một bộ keycap PBT để cạnh tranh được với các đối thủ cùng tầm giá.
Nhìn sâu hơn, K4 cũng sẽ có một chút cải tiến so với K2 khi sở hữu khung viền nhựa nhám, tránh xước xát và bám mồ hôi khá tốt.
Có thêm tùy chọn switch Quang cơ đáng giá
Về switch, K4 nay đã có thêm tùy chọn switch quang cơ bên cạnh switch Gateron. Đây là một điểm đáng chú ý vì đây là một kiểu switch khá mới, với kết cấu và chất lượng được cho là ưu việt hơn các kiểu switch “gần giống Cherry” mà chúng ta thường biết.
Về nguyên lý hoạt động thì đúng như tên gọi của mình, nó sử dụng tín hiệu ánh sáng thay vì tín hiệu tạo ra do thay đổi điện trở như các switch thông thường. Vì vậy, switch quang cơ sẽ không có các chân bằng lá đồng để thực hiện tiếp xúc vật lý. Thay vào đó sẽ là các thấu kính hay các khe hở sáng tùy vào hướng đi của NSX.
Nhưng nhìn chung, dù kết cấu ra sao, các kiểu switch Quang cơ cũng sẽ có nhiều ưu điểm chung đáng chú ý:
- Độ bền cao hơn: Switch quang cơ không có tiếp xúc vật lý, vậy nên các chi tiết trong switch sẽ khó bị gãy, mòn.
- Độ delay thấp hơn: So với tốc độ tạo tín hiệu nhờ ma sát lá đồng, tốc độ tín hiệu ánh sáng về lý thuyết là nhanh hơn rất nhiều, qua đó giảm đáng kể độ trễ.
Tuy vậy thì khi trải nghiệm thực tế, sẽ rất khó để chúng ta nhận ra những sự khác biệt cực nhỏ kể trên. Tuy nhiên, người viết vẫn đánh giá khá cao sự bổ sung switch Quang cơ trên Keychron K4 vì đây cũng là một điểm "ăn tiền" mà các sản phẩm phím cơ đắt tiền như Razer Huntsman Elite hay GIGABYTE AORUS K9.
Trải nghiệm gõ ổn
Về trải nghiệm gõ, K4 có thể xếp ở mức tạm ổn. Mỗi nhát gõ đều tỏ ra chắc chắn và cho phản hồi khá tốt. Với phiên bản sử dụng Blue Switch, người viết vẫn có thể cảm nhận được tính "cơ" khi gõ: Khấc rõ ràng, tiếng clicky tuy hơi mỏng so với Blue Switch truyền thống nhưng nghe khá vui tai. Có thể game thủ sẽ thích điều này, nhưng những người xung quanh họ thì chưa chắc. Nếu người dùng mua K4 để làm việc ở môi trường công sở thì Red Switch sẽ là lựa chọn tốt hơn (Tùy chọn switch trên K4 không xuất hiện Brown Switch).
Về nhược điểm, Keychron K4 có phần mặt đế làm quá cao, bắt cổ tay của người viết phải chếch lên khá cao dễ gây mỏi. Vậy nên khi mua K4, người dùng nên mua thêm một chiếc kê tay bằng da hay cao su để trải nghiệm sử dụng được tốt hơn.
Bộ tính năng đa dạng, hữu ích
Bộ tính năng cũng chính là điểm đáng tiền nhất của K4 trong tầm giá. Đầu tiên, K4 có cả kết nối cáp Type-C lẫn Bluetooth. Kết nối Bluetooth khá ổn định, độ trễ ở mức chấp nhận được; ít nhất là khi người viết thử nhập liệu hay giải trí với tựa game LMHT. Tuy nhiên khi chơi game, các game thủ vẫn nên sử dụng kết nối Type-C để đảm bảo tối đa hiệu quả.
Thứ hai, như đã nhắc đến ở phần đầu, K4 tương thích với năm hệ điều hành khác nhau trên smartphone và máy tính. Khi chuyển qua lại giữa các hệ điều hành, các phím tương thích khá ổn và đúng chức năng.
Và cuối cùng, K4 cho phép người dùng lưu trữ và chuyển đổi tùy ý kết nối với ba thiết bị khác nhau. Để chuyển đổi, người dùng chỉ cần giữ Fn cùng một trong ba phím số có biểu tượng Bluetooth bên trên.
Hệ thống LED trên K4 cũng rất đa dạng với 15 tùy chọn về kiểu sáng. Chỉ cần bấm một nút ở trên cùng bên phải là đèn sẽ đổi. Tuy nhiên chúng ta sẽ không có phần mềm để tùy chỉnh kiểu LED theo ý muốn, độ sáng LED cũng chưa được cao.
Về pin, K4 có viên pin dung lượng 4000 mAh và được cho là có thể hoạt động liên tục ba tuần mà không cần cắm sạc, có thể lâu hơn nếu tắt LED. Tuy chưa thể trải nghiệm đủ lâu để kiểm chứng nhưng theo người viết, đây là con số có thể tin được. Sau vài ngày dùng không tắt, sản phẩm vẫn hoạt động khá ổn.
Tổng kết
Nếu chúng ta cân đo đong đếm tất cả ưu, nhược của K4 thì đúng là không dễ để nói đây là sản phẩm có chất lượng nổi trội trong tầm giá. Theo người viết, “thú vị trong tầm giá” sẽ là cụm từ thích hợp hơn bởi K4 sở hữu thiết kế lạ mắt, switch Quang cơ mới mẻ cùng trải nghiệm gõ ở mức ổn. Hơn nữa chúng ta còn có được sự đa dạng về kết nối và khả năng tương thích đa nền tảng, phù hợp với người dùng làm thiết kế, đồ họa nói chung.
Hiện nay, Mac8 là đơn vị phân phối chính hãng bàn phím cơ Keychron K4 các bản với mức giá hấp dẫn nhất cùng nhiều ưu đãi vượt trội. Ngoài ra khách hàng còn có thể đến showroom Mac8 để trực tiếp trải nghiệm sản phẩm. Hotline: 090.128.2468